Kết cục Trận_Spicheren

Đài tưởng niệm Trung đoàn Bộ binh 74 Hannover tại Spicheren.

Mặc dù nằm ngoài kế hoạch của Moltke và Bộ Chỉ huy Đức, chiến thắng Spicheren đã đánh vỡ chính diện của Tập đoàn quân Rhine và mở đường cho quân Phổ-Đức tiến vào Lorraine.[10] Một đại tá Trung đoàn 63 Pháp tham chiến ở Spicheren đã mô tả một cách cay cú về trận đánh: "Quân ta xả súng trường suốt cả ngày hôm đó nhưng không mấy hiệu quả trước một kẻ địch liên tục được tăng cường lực lượng và bọc sườn ta". Lời bình luận này đã trở nên thông dụng trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức.[1]

Trong thư gửi Alvensleben vào ngày 7 tháng 8, Thân vương Friedrich Karl đã so sánh sự thất trận của quân Pháp tại Spicheren với cuộc đại bại của nước Áo năm 1866: "Giống như năm 1866... tụi Pháp đã thả cho ta thảy một vài quân đoàn giáng vào mớ quân mềm mại, mong manh của chúng". Hai ngày sau, khi viết thư cho mẹ mình, Friedrich Karl lại khẳng định sự tương đồng với chiến dịch nước Áo: "Ở mọi nơi cuộc chiến mở đầu giống như [cuộc chiến] năm 1866, [với] sự thua trận liểng xiểng của các quân đoàn riêng lẻ và sự xuống tinh thần nghiêm trọng [của địch]. Trong các khu rừng gần đây đầy rẫy quân địch đào ngũ. Cứ điểm mà chúng con đã đánh chiếm tại Spicheren rắn chắc một cách không thể tưởng được".[1]

Đài tưởng niệm Trung đoàn Bộ binh 48 "Von Stülpnagel" (Quân đoàn V Brandenburg) tại Spicheren.

Nhưng chiến dịch năm 1870 có một khác biệt lớn với năm 1866 mà Friedrich Karl không chỉ ra: với ưu thế vượt trội trước loại súng trường Dreyse mà bộ binh Phổ sử dụng, các khẩu Chassepot của Pháp đã mang lại thiệt hại nặng nề cho quân lực Phổ. Trái với các trận đánh năm 1866 khi quân Phổ chỉ thiệt mất 1 người để đổi lấy 4 lính Áo chết hoặc bị thương, quân Phổ trong trận đánh Spicheren chịu thương vong hơn gấp đôi quân Pháp. Trong số 35.000 quân tham chiến thuộc 33 tiểu đoàn và 33 khối kỵ binh, họ mất 850 người tử trận, 3.650 bị thương cộng thêm 400 mất tích. Con số này chiếm hơn nửa tổng số quân Phổ chết và bị thương trong trận đại chiến Königgrätz, mặc dù quy mô của trận Spicheren nhỏ hơn rất nhiều so với Königgrätz. Theo một nhân chứng, vua Wilhelm I của Phổ khi thị sát trận địa đã "tỏ ra hoảng hốt" trước cuộc tàn sát không ai ngờ tới này. Điều duy nhất có thể an ủi ông là mức độ tổn thất của quân Pháp - rất cao nếu xét về những lợi thế tự nhiên mà họ có được từ địa điểm phòng thủ của họ. Quân Pháp trong trận chiến bị thiệt mất 4.100 người, trong số đó hơn 2.000 người mất tích (phần lớn số này bị bắt làm tù binh). Con số này đã góp phần khẳng định sức mạnh ưu việt của các khẩu đại bác Krupp mà pháo binh Đức sử dụng.[1][2][7]

Cùng ngày 6 tháng 8, chủ lực Tập đoàn quân số 3 Đức do Thái tử Friedrich Wilhelm thống lĩnh đã đánh tan bộ phận quân Pháp dưới quyền Mac-Mahon gồm Quân đoàn I và một sư đoàn của Quân đoàn VII trong trận Wœrth-Frœschwiller, buộc quân Mac-Mahon phải cuống cuồng tháo chạy về hướng tây nam qua dãy Vosges.[7] Đúng như sự dự đoán của Thủ tướng Phổ-Bắc Đức Otto von Bismarck, tin tức về các trận Wœrth và Spicheren đã gây choáng ngợp cho các đồng minh tiềm ẩn của Pháp ở châu Âu: người Áo, Đan MạchÝ. Họ từ bỏ mọi ý định tham gia cuộc chiến mà người Pháp xem ra đã bị đánh bại.[1]

Hai cuộc thua trận ngày 6 tháng 8 – nổi bật trong đó là cảnh tượng pháo binh Đức khoét những lỗ hổng to lớn vào trận tuyến của mình – đã làm sa sút tinh thần quân tướng Pháp đồng thời đánh đòn nặng nề vào ý chí của Napoléon.[1][12][13] Buổi sáng ngày 7 tháng 8, ông truyền lệnh cho toàn bộ quân lực rút về Châlons-sur-Marne, để lại mọi quyền chủ động chiến lược trong tay Graf Moltke. Nhưng, trong khi con đường tháo chạy về hướng tây-nam của MacMahon sau trận Wœrth đã mở rộng khoảng trống giữa 3 quân đoàn I, V, VII ở phía nam và 5 quân đoàn chủ lực Pháp trên mạn bắc, Frossard lại tự ý quyết định rút quân từ Sarreguemines về Metz mà không hỏi ý Napoléon khi hay tin Mac-Mahon đại bại. Cuối ngày 7 tháng 8, sau khi xác định lại tình hình, hoàng đế Pháp đành hạ lệnh cho cánh quân phía nam triệt thoái về Châlons để thành lập một tập đoàn quân mới do MacMahon chỉ huy, còn chủ lực Tập đoàn quân Rhine lui về tập kết tại pháo đài Metz rồi rút tới Châlons theo đường Verdun để hội quân với Mac-Mahon. Chỉ sau một tuần lễ chiến đấu, quân đội Pháp đã hoàn toàn triệt thoái.[5]

Sau khi nhận định lại cục diện chiến tranh, Moltke quyết định tập trung tập trung điều động các Tập đoàn quân số 1 và số 2 truy kích tiêu diệt chủ lực Tập đoàn quân Rhine trong khi Thái tử Friedrich Wilhelm tiếp tục theo sau cánh quân của MacMahon. Quyết định này đã dẫn đến các trận đánh lớn kế tiếp tại Borny-Colombey (14 tháng 8), Mars-la-Tour (16 tháng 8) và Gravelotte (18 tháng 8).[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Spicheren http://www.67deligne.jimdo.com/ http://www.farmathur.de/index.php?QUERY_STRING=spi... http://www.saarland-lese.de/index.php?article_id=5... http://almg.free.fr/forbach/Bataille%20de%20Spiche... http://homepages.paradise.net.nz/mcnelly/vb/scenar... http://www.gutenberg.org/files/36209/36209-h/36209... http://books.google.com.vn/books?id=5z6NTY2YxR8C&p... http://books.google.com.vn/books?id=vAnRWFfiUuIC&p... http://books.google.com.vn/books?id=vEqqKo_IGPcC&p... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Battle...